Quá nhiều phí trung gian
Theo ông Nguyễn Việt Thắng - Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, cả nước hiện có 130 nhà máy chế biến thức ăn thủy sản (TATS), sản xuất khoảng 3,77 triệu tấn/năm, đáp ứng được 85% so với nhu cầu của người chăn nuôi.
Tuy nhiên, thị trường rộng lớn này chủ yếu nằm trong tay các doanh nghiệp (DN) nước ngoài như Uni Fresident, Grobest (Đài Loan), C.P (Thái Lan), Tomboy (Pháp), Cargill (Mỹ)… với 80% thị phần thức ăn cho cá, 100% thị phần thức ăn cho tôm.
Các DN trong nước với thị phần không đáng kể như Việt Thắng, Vĩnh Hoàn, Hùng Vương... tồn tại được là nhờ có chu trình khép kín từ thức ăn - con giống - tiêu thụ sản phẩm chứ không nhờ phân phối ra thị trường. Theo ông Thắng, DN nào chiếm thị phần càng lớn trên thị trường thì càng dễ thống lĩnh, chi phối về giá.
Giải thích việc giá TATS liên tục tăng trong thời gian qua, ông Lưu Hải Hoa -Giám đốc phụ trách kinh doanh TATS Công ty TNHH Uni - President Vietnam cho rằng, hầu hết các DN sản xuất, chế biến TATS tại Việt Nam phải nhập khẩu đến 90% nguyên liệu từ nước ngoài. Trong khi đó, tỷ giá USD - VND liên tục tăng mạnh, các chi phí vận tải, lưu kho, nạn mãi lộ, chi phí cho các thủ tục hành chính… cũng tăng đẩy giá thành sản phẩm lên cao.
Theo ông Hoa, dù giá một số nguyên liệu như ngô, khô dầu đậu tương… trên thế giới hiện nay hiện nay đã giảm nhiệt, nhưng giá sản phẩm TATS trong nước vẫn chưa giảm theo là do DN vẫn đang dùng nguyên liệu nhập từ thời điểm giá cao của mấy tháng trước. "2011 là năm cực kỳ khó khăn cho cả người chăn nuôi và DN sản xuất, chế biến thức ăn do tôm chết nhiều, lượng thức ăn bán ra thị trường giảm đến 30% buộc DN phải đẩy giá lên để bù lỗ" - ông Hoa phân trần.
Việc giá TATS luôn ở mức cao còn được giải thích là do mạng lưới phân phối sản phẩm rườm rà, chiết xuất hoa hồng cho các đại lý quá cao, từ 3.200 - 6.500 đồng/kg. Một số DN nhỏ, kém chất lượng còn chi hoa hồng cho đại lý tới 30% tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN.
"Mới đây, DN còn phải chịu thêm nhiều chi phí cho việc kiểm tra các chất như manamilk, NRT… trong sản phẩm TACN khiến giá tăng thêm 230 đồng/kg” - ông Nguyễn Hữu Lợi - Chủ tịch HĐQT Công ty Vic bức xúc.
Giá thức ăn chăn nuôi thủy sản hiện nay rất cao nên nông dân ít có lãi.
Cần đưa 100% doanh nghiệp vào diện bình ổn
Theo ông Phạm Anh Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, mặc dù thức ăn cho cá tra, cá basa và thức ăn dạng viên cho tôm sú đã được đưa vào diện bình ổn giá nhưng chính sách này hiện chưa phát huy hiệu quả. Theo đó, chỉ có 10/130 nhà máy chịu trách nhiệm bình ổn giá thì không thể điều phối được giá cả cho cả thị trường.
Hơn nữa, các nhà máy tham gia bình ổn chỉ được tăng giá mỗi lần không quá 4% giá trị sản phẩm nhưng do giá nguyên liệu tăng cao, tỷ giá USD và lãi suất ngân hàng cao… bắt buộc các DN tăng giá cao hơn nhiều so với mức quy định.
Từ đầu năm đến nay, giá TATS tăng 6 - 7 lần, mỗi lần từ 200 - 300 đồng/kg khiến chi phí sản xuất trong nuôi trồng thủy sản lên cao, người nuôi không có lãi dẫn tới việc treo ao.
Ông Nguyễn Việt Thắng - Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam
|
Theo ông Tuấn, để chính sách này phát huy hiệu quả, cần đưa tất cả các nhà máy sản xuất thức ăn vào diện bình ổn giá. Nhà nước cần coi đây là mặt hàng thiết yếu an ninh thực phẩm để được hưởng quyền lợi ưu tiên như lương thực và phân bón.
"Uni - President Vietnam có hệ thống thu mua nguyên liệu trên toàn cầu, có thể mua được giá nguyên liệu với mức thấp nhất nên sẽ dễ dàng giảm giá thành sản phẩm khi nhà nước có chế tài ổn định tỷ giá chặt chẽ hơn" - ông Nguyễn Hữu Lợi phân tích.
Trong khi đó, ông Hồ Xuân Thọ - Trợ lý Phó Tổng Giám đốc Công ty C.P Vietnam cho rằng, trong khi chờ đợi các DN giảm giá thức ăn, người chăn nuôi nên tự áp dụng các giải pháp thiết thực như liên kết trực tiếp với DN sản xuất thức ăn để giảm các chi phí trung gian. Ngoài ra, các biện pháp kỹ thuật như sử dụng máy cho ăn tự động cũng sẽ giúp người chăn nuôi giảm 10% chi phí chăn nuôi do giảm hao hụt thức ăn.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam nên đầu tư vùng nguyên liệu trong nước để giảm thiểu việc phụ thuộc vào thế giới trong lĩnh vực nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi. Đồng thời, tổ chức lại phân chia lợi nhuận, chiết khấu giữa các khâu trong chuỗi sản xuất, phân phối TATS, đảm bảo lợi ích của người nông dân.