Thực trạng ngành chăn nuôi của chúng ta từ lâu đã được cảnh
báo yếu kém và tự phát. Chăn nuôi đa phần là nhỏ lẻ, không chủ động được khi thị trường có biến động. Cộng thêm các yếu tố dịch bệnh hoành hành, giá cả đầu vào tăng, khiến người chăn nuôi nhỏ lẻ không còn cơ hội phát triển. Càng chăn nuôi càng lỗ, người chăn nuôi buộc phải bỏ trống chuồng, không dám tái đàn.
Theo ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, giá thịt lợn biến động nhanh như thời gian vừa qua có nguyên nhân chính là do yếu kém trong hạ tầng chăn nuôi. Ngành chăn nuôi không có được cơ sở hạ tầng tốt để tập trung vào sản xuất theo hướng công nghiệp hóa.
Và qua cơn sốt thịt lợn vừa qua, có thể thấy rằng trong khi người chăn nuôi bỏ trống chuồng, nhưng tại các chợ vẫn không thiếu thịt lợn. Vậy, mỗi ngày, số thịt lợn vẫn được cung cấp ra thị trường từ đâu mà có? Theo ông Mười, hiện nay, các doanh nghiệp trong nước chỉ mới nắm trong tay khoảng 5.000-10.000 con nái. Trong khi đó, các doanh nghiệp có đầu tư nước ngoài như CP, San Miguel nắm trong tay cả trăm ngàn con heo nái, chủ yếu bằng phương pháp nuôi gia công, bỏ vốn liếng, thức ăn chăn nuôi, cung cấp con giống…
Ở phía Bắc, nhiều vùng chăn nuôi ngoại thành các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên…, các HTX chăn nuôi… hầu hết hiện nay đều đi chăn nuôi thuê cho Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam (thành viên của Tập đoàn CP Thái Lan).
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Chiến, Chủ nhiệm HTX chăn nuôi và dịch vụ Cổ Đông, Sơn Tây cho biết, HTX Cổ Đông hiện có 70 hộ tham gia chăn nuôi thuê cho CP với số đầu lợn khoảng 5.000 con mỗi lứa. Từ năm 2001, HTX đã bắt đầu hình thức chăn nuôi thuê cho CP. Phía CP cung cấp con giống và thức ăn chăn nuôi. Còn lại, người dân phải chịu toàn bộ chi phí về nhân công, điện nước, môi trường, cơ sở hạ tầng chuồng trại. Nhưng dù giá thịt lợn trên thị trường có tăng "chóng mặt", giá nguyên liệu đầu vào như điện, nước, xăng dầu, giá nhân công đều đã đội lên gấp 2-3 lần, phía CP vẫn áp dụng mức chiết khấu cho người dân là 2.350 đồng/kg lợn (mức này CP áp dụng từ nhiều năm trước).
Với mức chiết khấu quá thấp như hiện nay, theo ông Chiến, nông dân Việt Nam đang phải đi làm thuê cho DN nước ngoài với lợi nhuận gần như bằng 0. "Họ vào Việt Nam, họ có vốn nên chiếm được lợi thế. Trong khi đó, họ sử dụng toàn bộ nhân công, đất đai, nhân vật lực của mình để nuôi lợn, gà. Sau đó họ lại xuất bán cho người Việt Nam tiêu dùng. Hậu quả là, họ muốn làm giá cũng không thể kiểm soát được", ông Chiến phân tích.
Giá thịt lợn sẽ khó kiểm soát, nếu không chủ động từ khâu chăn nuôi.
Ông Mười cũng nhận định, "Có hạ tầng chăn nuôi tốt thì nói thật, dù có xuất tiểu ngạch hay chính ngạch sang Trung Quốc
bao nhiêu ta cũng không sợ, vì ta có sản lượng lớn, cần người mua, còn ở đây, ta ít quá, nên chỉ 1 biến động nhỏ cũng tác động xấu lên thị trường".
Biết là nuôi lợn thuê cho DN nước ngoài, người nông dân thiệt thòi nhiều, nhưng nếu để các nông hộ độc lập tự làm tự ăn thì lại không đủ vốn. Ông Chiến tính toán, để đầu tư 1 trang trại với khoảng 2-3.000 đầu lợn cũng cần từ 2-4 tỷ đồng, mức đầu tư này nông dân không đủ khả năng.
Cùng quan điểm với ông Chiến, ông Lê Văn Mẽ, Giám đốc Công ty cổ phần Thức ăn chăn nuôi Phú Sơn cho rằng, toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng của CP là của người Việt nhưng thị trường lại thuộc về CP. "Điểm này, tôi cho rằng, trong hoạch định chính sách cần xem xét lại", ông Mẽ bức xúc.
Trước tình hình giá thịt lợn tăng tới mức gần mất kiểm soát, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1120/CĐ-TTg, yêu cầu tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm tra, kiểm soát giá cả, thị trường. Trong đó, việc "sốt" giá thịt heo trong thời gian qua được đặt lên hàng đầu, bởi nó có thể kích hoạt giá cả thị trường thực phẩm trong nước. Tuy nhiên, đến thời điểm này, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện chưa có thống kê nào về việc CP chiếm bao nhiêu thị phần chăn nuôi trong nước.
"Riêng thị phần thức ăn chăn nuôi, CP đang chiếm tới 17-18%. Hiện chúng ta đang khuyến khích phát triển chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi theo hình thức gia công. Nên cũng chưa thống kê doanh nghiệp nước ngoài hiện chiếm bao nhiêu phần trăm trong lĩnh vực này. Và, luật pháp cũng chưa có quy định ràng buộc gì về việc áp dụng mức trần đối với các doanh nghiệp nước ngoài trong thị trường chăn nuôi", ông Dương phân tích.
Rõ ràng, để thị trường chăn nuôi trong nước không bị thao túng, lũng loạn, ông Mẽ cho rằng, cần có chính sách khuyến khích cho các DN trong nước đầu tư vào chăn nuôi, chính sách ưu tiên về đất đai, về vốn… Nhưng dường như, vẫn chưa có một phương án nào thực sự có tác động chấn chỉnh lại cuộc khủng hoảng về giá thịt lợn như thời gian vừa qua