Khuyến khích sản xuất ethanol phục vụ pha chế xăng dầu sinh học là một chủ trương đúng, tuy nhiên việc dùng chính sách thuế để hạn chế xuất khẩu sắn ở thời điểm này nếu không khéo sẽ gây ra nhiều hệ lụy lâu dài.
Kỳ II: Tăng thuế - liệu có hợp lý?
Nhiều địa phương không mặn mà với cây sắn vì hại đất.
Nguy cơ mất vùng nguyên liệu
Theo ông Lưu Quang Thái - Chủ tịch Hiệp hội Nhiên liệu sinh học Việt Nam, nếu lộ trình thực hiện Đề án sử dụng xăng sinh học đúng tiến độ thì đến 2015 cả nước phải có 13 nhà máy sản xuất ethanol với công suất thiết kế858.000 tấn, nhu cầu sử dụng sắn lát khô khoảng 2,15 triệu tấn. Tuy nhiên, đến nay mới có 7 nhà máy ethanol được xây dựng. Do khó khăn về vốn và thị trường tiêu thụ nên chỉ có 3 nhà máy đang sản xuất cầm chừng còn 4nhà máy đã dừng hoạt động.
Mặc dù có tình trạng tranh mua, tranh bán sắn do nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc tăng nhưng vấn đề đặt ra ở đây là mức tiêu thụ sắn cho bà con nông dân của các nhà máy sản xuất ethanol chưa đáp ứng như kỳ vọng. Nếu tăng thuế để giữ sắn, người nông dân nằm trong vùng quy hoạch sắn của các nhà máy chưa hoạt động sẽ chịu thiệt thòi nhiều nhất.
Đơn cử như huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) là một trong những huyện được quy hoạch trồng sắn phục vụ cho Nhà máy ethanol Tam Nông (thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) với gần 2.000 ha. Nhưng qua nhiều năm nhà máy vẫn chưa hoàn thiện nên bà con phải bán cho các đơn vị chế biến tinh bột, sử dụng cho chăn nuôi hoặc xuất khẩu.
Vấn đề thứ hai, việc tăng thuế lên 5% hoặc cao hơn nữa không có nghĩa là cấm xuất khẩu hoàn toàn, hơn nữa giả thiết việc xuất khẩu sắn vẫn có lãi theo như lý giải của Bộ Tài chính thì doanh nghiệp vẫn tiếp tục thu mua. Thử hỏi các doanh nghiệp sản xuất ethanol có bảo đảm cam kết thu mua sắn cho bà con với giá thị trường để họ an tâm canh tác?
Cần điều chỉnh lộ trình
Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường, hội nhập toàn cầu nên việc dùng mệnh lệnh hành chính chỉ mang tính tạm thời, do đó việc tăng thuế cần có lộ trình phù hợp với tình hình sản xuất của các nhà máy ethanol, lộ trình sử dụng xăng dầu sinh học. Mặt khác xuất khẩu sắn cũng mang lại giá trị kinh tế cho đất nước, giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống cho người nông dân nghèo, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa.
Để bảo đảm nguồn nguyên liệu cho sản xuất ethanol, ông Nguyễn Trọng Luyện - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) - cho rằng các nhà quản lý, doanh nghiệp sản xuất cần rà soát tính toán tổng thể nhu cầu, tỷ trọng sử dụng sắn trong nước là bao nhiêu (sắn cho chăn nuôi, công nghiệp thực phẩm, ethanol...), sắn xuất khẩu là bao nhiêu để có quy hoạch cho từng vùng.
Thêm nữa, các doanh nghiệp sản xuất ethanol cần chủ động xây dựng nguồn nguyên liệu của mình trên cơ sở đầu tư, cam kết với người dân từ giống sắn mới, kỹ thuật canh tác cho năng suất cao, bảo đảm thu mua cho bà con theo giá thị trường để họ gắn bó với cây sắn. Nhà nước cũng cần tập trung, nghiên cứu, so sánh chi phí giá thành sản xuất đối với các loại cây trồng có thể sản xuất cồn ethanol ví dụ như: mía, ngô, khoai lang, củ cải đường, đậu tương, lạc, dầu ăn đã qua sử dụng thậm chí rơm, vỏ trấu, dưa hấu... để giảm phụ thuộc vào sắn như một số nước đã làm.
Và vấn đề mấu chốt là phải giải quyết được bài toán phân phối đầu ra cho xăng dầu sinh học. Khi đó doanh nghiệp sản xuất cồn ethanol và người nông dân trồng sắn mới có đất sống, phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Trọng Luyện - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thanh Thủy (Phú Thọ):
Việc tăng thuế sẽ ảnh hưởng đến hàng nghìn hộ nông dân nghèo, do đó cần xem xét một lộ trình phù hợp hơn để tránh nguy cơ mất vùng nguyên liệu sắn.
Bài viết liên quan:
Đình Dũng - Thu Hà (Báo Công Thương) |